1.001 chiêu giả mạo trong công chứng - Kỳ 2: ''Khai tử'' cả người thân

21/08/2020


TTO - Cố tình 'khai tử' người thân để chiếm tài sản thừa kế, thuê người đóng vai chủ nhà đi công chứng bán nhà, giả từ giấy chủ quyền nhà, bằng cấp nghề đến chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện giúp việc nhà...

1.001 chiêu giả mạo trong công chứng - Kỳ 2: 'Khai tử' cả người thân

Điều đáng lo ngại là tất cả các loại giấy tờ đều có thể bị làm giả và làm giả rất tinh vi, nên không phải loại giấy giả nào cũng bị công chứng viên phát hiện.
"Khai tử" người sống

Hơn 3 năm trôi qua nhưng vụ kiện "yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bảy (66 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) với bị đơn là Văn phòng công chứng (VPCC) Bảy Hiền (nay là VPCC Ninh Thị Hiền, Q.Tân Bình) vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng bởi bản án sơ thẩm đang bị các bên liên quan kháng cáo.

VPCC Bảy Hiền là đơn vị đã công chứng văn bản kê khai di sản thừa kế cho ông N.V.K. (em trai bà Bảy). Tài sản thừa kế là một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.4, Q.Tân Bình, do vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng (cha ông K.) để lại.

Sau khi cha mẹ mất, ông K. đã có văn bản khai nhận di sản thừa kế khẳng định ông là người thừa kế duy nhất. Gia đình ông có hai anh em nhưng em gái ông là bà Nguyễn Thị Bảy đã chết trước cha mẹ. Công an Q.Tân Bình cũng có văn bản xác nhận hộ khẩu gốc của ông Thắng chỉ có tên con trai là ông K..

Sau khi nhận được yêu cầu công chứng, VPCC Bảy Hiền đã niêm yết thông tin thừa kế tại trụ sở UBND phường theo quy định. Hết thời hạn niêm yết vẫn không có ai khiếu nại, VPCC Bảy Hiền đã công chứng cho ông K. là thừa kế duy nhất.

Nhận thừa kế xong, ông K. đã làm thủ tục sang tên cho con gái căn nhà trên.

Một thời gian sau, bà Nguyễn Thị Bảy làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Theo bà Bảy, cha mẹ bà có tới 9 người con chứ không phải chỉ có hai người con như ông K. trình bày.

Bà Bảy yêu cầu tòa hủy bỏ văn bản khai nhận di sản thừa kế, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông K., hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho con gái ông K..

Lý do: anh trai bà đã gian dối, khai không đúng sự thật về số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ để chiếm đoạt tài sản.

Quá trình tham gia tố tụng, đại diện VPCC Bảy Hiền luôn khẳng định đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Xác nhận nhân thân của UBND Q.Tân Bình phù hợp với lời khai của ông K. là gia đình ông chỉ có hai người con nên mới công chứng.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của bà Bảy về việc tuyên bố văn bản khai nhận di sản do VPCC Bảy Hiền lập vô hiệu. Hợp đồng tặng cho nhà đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên con gái ông K. bị tuyên hủy.

Tuy nhiên, tòa lại tuyên công nhận quyền sở hữu nhà và đất trên là của ông N.V.K.. Lý do vì năm 1983, ông K. đã được cha mẹ lập văn tự cho nhà. Vụ án chưa dừng lại khi bà Bảy đang có đơn kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP.HCM.
Mạo danh chồng

Tháng 12-2019, một VPCC tại Q.Bình Thạnh phát hiện hai vụ giả người đi công chứng, nhờ vậy đã ngăn chặn thành công các giao dịch trái luật.

Vụ thứ nhất, người chồng ủy quyền cho vợ "chuyển nhượng nhà đất" ở Q.8 thuộc sở hữu chung của họ. Sau khi công chứng văn bản ủy quyền xong, người vợ bán nhà và công chứng hợp đồng mua bán tại một VPCC ở Q.Bình Tân.

Tại đây, công chứng viên yêu cầu văn bản ủy quyền phải ghi rõ nội dung ủy quyền là "bán và chuyển nhượng nhà đất", nên người vợ quay lại VPCC tại Q.Bình Thạnh - nơi công chứng văn bản ủy quyền - yêu cầu thêm nội dung trên vào văn bản ủy quyền.

Để thêm nội dung này, VPCC tại Q.Bình Thạnh yêu cầu người chồng (người ủy quyền) phải có mặt để xác nhận. Tuy nhiên người vợ không đưa chồng đến mà gọi điện thoại cho một người lạ rồi đưa cho công chứng viên nói chuyện.

Người đàn ông này tự xưng là chồng lớn giọng dọa nạt yêu cầu công chứng viên phải điều chỉnh nội dung trên văn bản ủy quyền.

Chính việc dọa nạt này làm công chứng viên nghi ngờ, bởi việc thay đổi nội dung công chứng rất đơn giản, chỉ cần hai vợ chồng cùng đến VPCC là đủ. Từ nghi ngờ đó, công chứng viên đã chụp toàn bộ hồ sơ của họ gửi đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.8 nhờ kiểm tra thông tin.

Kết quả: người chồng trên giấy ủy quyền là giả vì dấu vân tay trên hợp đồng và ảnh trên CMND không phải của người đồng sở hữu căn nhà (chồng thật).

Người vợ trong vụ này cho biết do vay tiền người khác đến hạn không có tiền trả mà chồng không đồng ý bán nhà trả nợ, nên nhóm chủ nợ đã sắp xếp người đóng giả chồng của bà để làm thủ tục ủy quyền bán nhà trên.

Ngay hôm sau, cũng tại VPCC ở Q.Bình Thạnh, một người vợ đã ký hợp đồng mua bán nhà trước đó quay lại nhờ công chứng viên sửa lại số liệu ghi trong hợp đồng vì sai diện tích căn nhà.

Công chứng viên kể: "Căn nhà bán lần này cũng ở Q.8, cùng quận với căn nhà trong hồ sơ giả ngày hôm trước nên tôi cũng thấy sợ sợ. Trong hồ sơ người chồng chỉ ghi tên nguệch ngoạc ở chỗ chữ ký.

Tôi sinh nghi nên gửi hồ sơ đi xác minh và tiếp tục lộ ra thêm một ông chồng giả nữa. Nhờ vậy, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.8 không đăng bộ mà yêu cầu bên mua và bên bán đến VPCC để giải quyết nhưng họ không trở lại".

1.001 chiêu giả mạo trong công chứng - Kỳ 2: 'Khai tử' cả người thân

Giả cả người đi công chứng

Hiện nay, quy định đã bỏ địa hạt công chứng, người dân TP.HCM muốn công chứng hợp đồng bán nhà đất... ở đâu, đơn vị công chứng nào cũng được. Thực tế thì nhu cầu của người dân cũng có "địa hạt".

Ví dụ các đơn vị công chứng khu vực Q.Bình Thạnh sẽ có nhiều khách hàng ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.1 hoặc Q.2. Thỉnh thoảng mới có những khách hàng ở các khu vực khác đến và các hồ sơ này thường được công chứng viên "chăm sóc" kỹ hơn.

Một công chứng viên tại Q.Tân Bình nhận định: thực tế, công chứng viên chỉ xem xét giấy tờ, người đi công chứng theo kinh nghiệm, người nào kinh nghiệm nhiều thì phát hiện nhiều. Hiện nay, nhiều tổ chức hành nghề công chứng gặp chuyện hồ sơ giả, người giả nhưng giấu, không công khai.

Theo nhiều công chứng viên, hiện nay có tình trạng các nhóm thuê người giả luôn cả bên mua và bên bán để công chứng hợp đồng, đăng bộ sang tên rồi đem thế chấp ở ngân hàng vay tiền.

Một số ngân hàng cần khách vay nên bỏ qua khâu xác minh thực tế. Đến khi người vay không trả tiền, ngân hàng mới đi tìm hiểu thì đã muộn.

Tất cả các trường hợp này đều dùng giấy tờ nhà đất thật để giao dịch. Nguồn giấy tờ nhà đất thật do các đối tượng đánh tráo của chủ nhà khi giả làm người tìm mua nhà, thuê nhà hoặc từ những trường hợp người chủ vay nóng thế chấp giấy chủ quyền nhà đất.

Khi cơ quan chức năng đến xác minh thì chủ nhà thật mới tá hỏa khi biết giấy tờ nhà của mình đã bị thế chấp trong ngân hàng...

Những cặp đôi "không thật"

Giữa tháng 8-2019, một người đàn ông đem bản photo hồ sơ nhà đất đến VPCC B. nói mình làm dịch vụ cho hai vợ chồng già cần bán nhà. Do người chồng đang bệnh nặng, còn người vợ phải chăm chồng nên hẹn công chứng viên đến bệnh viện để công chứng.

Đến nơi, bằng một số biện pháp nghiệp vụ, công chứng viên phát hiện hai vợ chồng già này là giả. Họ chỉ là một người bán vé số và một người chạy xe ôm chứ không phải là vợ chồng thật và cũng không có nhà để bán. Họ chỉ được thuê để đóng giả người đi bán nhà và chưa nhận được thù lao do chưa xong việc.

Từ những thông tin thu thập được, VPCC B. đã yêu cầu Trung tâm thông tin, tư vấn công chứng (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) ngăn chặn giao dịch căn nhà trên.

Khoảng một tuần sau, có người tự xưng là chủ của căn nhà bị công chứng hụt gọi điện thoại trực tiếp cho trưởng VPCC B. yêu cầu gỡ ngăn chặn. Người này còn đòi kiện vì ngăn chặn giao dịch gây thiệt hại cho họ.

Thấy quá nhiều phiền phức, trưởng VPCC B. đã làm văn bản đề nghị Trung tâm thông tin, tư vấn công chứng bỏ ngăn chặn.

Ngay lập tức, hợp đồng bán nhà được một VPCC khác công chứng với những người đóng giả mà VPCC B. từng gặp. Sau khi ký hợp đồng mua bán, người mua làm hồ sơ thế chấp nhà để vay tiền một ngân hàng.

May thay, đến "phút 89", ngân hàng nhận được thông tin việc mua bán căn nhà trên có vấn đề nên đã kịp thời ngừng giao dịch.

Chứng chỉ... giúp việc nhà cũng bị làm giả

Chỉ trong tháng 12-2019, trên mạng nội bộ chung, các tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HCM đã cảnh báo hơn 20 trường hợp người giả hoặc người thật nhưng mang giấy tờ giả đi thực hiện các giao dịch ở tổ chức hành nghề công chứng.

Ngoài giấy chủ quyền nhà đất, giấy đăng ký xe thì còn có nhiều loại giấy tờ bằng cấp khó ngờ khác như bằng dược sĩ, bằng trung cấp nghề và chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện giúp việc nhà...

Nguồn: Tuổi trẻ online

Tin liên quanTin liên quan

Tin cùng chuyên mụcTin cùng chuyên mục

Dịch vụ sang tên sổ đỏ uy tín tại Hà Nội

Dịch vụ sang tên sổ đỏ uy tín tại Hà Nội

Dịch vụ làm sổ đỏ nhanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, nhà chung cư nhanh chỉ sau một ngày làm việc. Hãy liên hệ ngay tới Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo hotline : 0966.22.7979