Hợp đồng thế chấp xe ô tô: Quy trình và Mẫu Hợp đồng mới nhất

13/05/2025

Hợp đồng thế chấp xe ô tô đang ngày càng trở thành một lựa chọn phổ biến cho nhiều khách hàng khi có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng. Khách hàng khi có nhu cầu vay vốn có thể tận dụng chiếc xe của mình như một tài sản bảo đảm, giúp tiếp cận nguồn vốn lớn với lãi suất hấp dẫn hơn so với các hình thức vay không có tài sản bảo đảm. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về hợp đồng thế chấp xe ô tô, quy trình thực hiện, lợi ích, điều kiện, mẫu hợp đồng tham khảo và các lưu ý cần thiết để khách hàng có thể đưa ra quyết định vay vốn hợp lý nhất.

1. Tìm hiểu về vay thế chấp xe ô tô

1.1. Lợi ích khi vay thế chấp xe ô tô

  • Chi phí vay vốn thấp hơn: Một trong những lợi ích lớn nhất khi vay thế chấp xe ô tô là lãi suất ưu đãi. Do có tài sản bảo đảm, ngân hàng sẽ cho phép khách hàng vay với lãi suất thấp hơn so với hình thức vay tín chấp, thường rơi vào khoảng từ 7% đến 10%/năm.
  • Thời hạn vay linh hoạt: Khách hàng có nhiều lựa chọn về thời gian vay, thường kéo dài từ 5 đến 7 năm. Thời hạn vay lâu giúp chia nhỏ khoản phải trả hàng tháng, giảm gánh nặng về tài chính cho khách hàng hàng tháng. Điều này phù hợp với những khách hàng có thu nhập ổn định nhưng cần nguồn vốn lớn.
  • Vẫn có quyền sử dụng xe: Khách hàng có thể sử dụng xe ô tô của mình ngay cả khi đã thế chấp tại ngân hàng. Điều này giúp không bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hay công việc của khách hàng. Ngân hàng chỉ giữ giấy tờ xe, khách hàng vẫn có thể lái xe như bình thường.
  • Hồ sơ đơn giản và nhanh chóng: Hồ sơ vay thế chấp xe ô tô thường đơn giản hơn nhiều so với các hình thức vay tín chấp khác. Khách hàng chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như CCCD, hộ khẩu, giàu hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập, và giấy tờ liên quan đến chiếc xe để nhanh chóng được xét duyệt.

1.2. Điều kiện để vay thế chấp xe ô tô

  • Sở hữu xe ô tô hợp pháp: Khách hàng phải là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe và xe phải có giấy tờ hợp lệ, được cấp phép lưu hành. Ngân hàng sẽ yêu cầu xem xét giấy đăng ký xe, hóa đơn mua bán, và các chứng từ khác liên quan.
  • Có thể chứng minh nguồn thu nhập ổn định: Khách hàng cần chứng minh rằng mình có thu nhập đủ để trả nợ theo hợp đồng. Điều này có thể thông qua việc cung cấp hợp đồng lao động hoặc sao kê lương từ 3 đến 6 tháng gần nhất. Ngân hàng sẽ đánh giá khả năng thanh toán dựa trên các giấy tờ này.
  • Không có nợ xấu: Khách hàng cần có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác. Điều này có thể được xác nhận qua hệ thống tín dụng quốc gia (CIC). Nếu có nợ xấu, khách hàng cần giải quyết trước khi đăng ký vay.
  • Tuổi tác: Khách hàng cần từ đủ 18 tuổi trở lên ở thời điểm vay và không quá 70 tuổi khi thanh toán khoản vay. Độ tuổi này đảm bảo rằng khách hàng có đủ khả năng pháp lý để ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm về tài chính.

Hợp đồng thế chấp xe ô tô

>>> Xem thêm: Hợp đồng thế chấp tài sản và các quy định liên quan.

1.3. Cách xác định giá trị xe khi thế chấp

Để xác định giá trị xe ô tô khi thế chấp, ngân hàng thường sử dụng các phương pháp sau:

  • Phương pháp so sánh: Ngân hàng sẽ tìm hiểu giá của những chiếc xe tương tự trên thị trường để xác định mức giá hợp lý. Các yếu tố cần xem xét bao gồm:
    • Năm sản xuất
    • Model
    • Tình trạng xe
    • Số km đã đi
  • Phương pháp khấu hao: Ngân hàng sẽ tính toán giá trị xe sau thời gian sử dụng. Giá trị của xe thường giảm dần theo thời gian và ngân hàng sẽ áp dụng tỷ lệ khấu hao để xác định giá trị hiện tại của xe.
  • Thẩm định thực tế: Đội ngũ chuyên gia từ ngân hàng sẽ đến xem xét thực tế xe, kiểm tra tình trạng bên ngoài cũng như nội thất, hệ thống máy móc để đưa ra kết luận về giá trị thực.
  • Tính toán chênh lệch: Trong một số trường hợp, ngân hàng có thể dùng mô hình tính toán kết hợp giữa các yếu tố bên ngoài và trong nội bộ để đưa ra giá trị phù hợp nhất.

1.4. Thời gian vay tối đa khi thế chấp xe ô tô

Thời gian vay tối đa khi thế chấp xe ô tô thường dao động từ 5 đến 7 năm, tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng cũng như tuổi đời của chiếc xe. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian vay bao gồm:

  • Tuổi của xe: Ngân hàng thường không cho vay đối với những chiếc xe quá cũ (thường trên 5-7 năm) vì giá trị xe sẽ giảm nhanh chóng.
  • Chính sách của ngân hàng: Mỗi ngân hàng có những quy định riêng về thời hạn vay cho từng loại tài sản.
  • Nhu cầu trả nợ của khách hàng: Khách hàng có thể đề nghị thời gian vay phù hợp với khả năng tài chính của mình.

2. Hợp đồng thế chấp xe ô tô

Hợp đồng thế chấp xe ô tô là một văn bản pháp lý giữa bên vay (người tiêu dùng) và bên cho vay (ngân hàng), trong đó bên vay cam kết giao thế chấp tài sản là xe ô tô thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo cho khoản vay. Khi khách hàng ký kết hợp đồng, họ đồng ý sử dụng chiếc xe làm tài sản bảo đảm cho ngân hàng trong thời gian vay vốn.

2.1. Đặc điểm của hợp đồng

  • Số tiền vay: Số tiền mà ngân hàng sẽ cho vay phụ thuộc vào giá trị thực tế của chiếc xe sau khi được thẩm định. Đối với xe mới, ngân hàng có thể cho vay lên đến 100% giá trị xe, trong khi xe cũ thường có hạn mức vay tối đa từ 50-70%.
  • Chi phí sử dụng: Khách hàng vẫn có thể sử dụng xe trong thời gian thế chấp. Ngân hàng sẽ giữ giấy tờ xe, nhưng khách hàng vẫn có quyền điều khiển xe cho mục đích cá nhân hoặc thương mại.
  • Chính sách lãi suất: Hợp đồng thế chấp xe ô tô thường có lãi suất thấp hơn hẳn các hình thức vay tín chấp. Lãi suất cho vay thường nằm trong khoảng 7% - 10%/năm, và nhiều ngân hàng còn có các chương trình ưu đãi cho những khách hàng vay lần đầu.

Hợp đồng thế chấp xe ô tô

>>> Tìm hiểu: Rủi ro cần tránh trong Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất.

2.2. Các điều khoản quan trọng trong hợp đồng thế chấp

Khi ký hợp đồng thế chấp xe ô tô, các điều khoản quan trọng cần chú ý bao gồm:

  • Giá trị khoản vay: Mức tiền mà ngân hàng sẽ cho vay dựa trên giá trị xe được thẩm định.
  • Thời gian vay: Thời hạn mà khách hàng có thể vay vốn, thường từ 5 đến 7 năm.
  • Lãi suất: Tỷ lệ lãi suất mà khách hàng phải trả cho ngân hàng, có thể là cố định trong một thời gian nhất định, hoặc thả nổi dựa trên thị trường.
  • Điều kiện và quyền hạn của bên cho vay: Quy định về các điều kiện khách hàng cần tuân thủ, quyền của ngân hàng trong việc xử lý tài sản thế chấp khi khách hàng không trả nợ đúng hạn.
  • Trách nhiệm của bên vay: Cam kết của khách hàng đối với việc trả nợ theo đúng kỳ hạn và điều kiện trong hợp đồng.
  • Điều khoản xử lý tài sản: Quy định trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, ngân hàng có quyền xử lý chiếc xe ô tô đã thế chấp để thu hồi nợ.

2.3. Mẫu Hợp đồng thế chấp xe ô tô

Tham khảo Mẫu Hợp đồng sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP Ô TÔ [1]

Số: ......./......./BĐ

 

Hôm nay, ngày …. tháng …. năm ………., tại Ngân hàng ………………………………., chúng tôi gồm:

 

1. BÊN THẾ CHẤP [2]: .........................................................................................................

Địa chỉ: ..................................................................................................................................

Điện thoại: ........................... Fax: ...........................................

ĐKKD số: ....................... Nơi cấp:  .......................................... ngày: ..................................

Người đại diện: ............................................. Chức vụ: ........................................................

CCCD số: ................................ Nơi cấp: ....................................... ngày: .............................

Số tài khoản tiền gửi đồng VN: .................................. Tại Ngân hàng: .................................

Số tài khoản tiền gửi ngoại tệ: .................................... Tại Ngân hàng..................................

Giấy uỷ quyền số: ..................... ngày: .................................. của: .......................................

 

2. BÊN NHẬN THẾ CHẤP: Ngân hàng ................................................................................

 

Địa chỉ: ..................................................................................................................................

Điện thoại: ........................... Fax: ...........................................

ĐKKD số: ....................... Nơi cấp:  .......................................... ngày: ..................................

Người đại diện: ............................................. Chức vụ: ........................................................

Giấy uỷ quyền số: ..................... ngày: .................................. của: .......................................

 

(Dưới đây, Bên nhận thế chấp được gọi tắt là “NGÂN HÀNG”)

 

Cùng nhau thỏa thuận và ký Hợp đồng thế chấp ô tô theo các nội dung dưới đây:

 

Điều 1. Nghĩa vụ được bảo đảm

 

1. Bên thế chấp đồng ý thế chấp ô tô thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ dân sự của mình đối với NGÂN HÀNG, bao gồm nhưng không giới hạn là: Tiền vay (nợ gốc), lãi vay, lãi quá hạn, chi phí xử lý Tài sản, các khoản chi phí khác và tiền bồi thường thiệt hại theo (các) Hợp đồng tín dụng ký với NGÂN HÀNG kể từ ngày các bên ký Hợp đồng này .

2. Nghĩa vụ được bảo đảm đối với các Hợp đồng tín dụng theo thỏa thuận tại khoản 1 của Điều này bao gồm cả các nghĩa vụ quy định tại các Phụ lục trong trường hợp Hợp đồng tín dụng được gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc có sự sửa đổi, bổ sung làm thay đổi nghĩa vụ được bảo đảm.

3. Tổng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm sẽ giảm theo mức độ giảm giá trị của tài sản thế chấp được xác định lại trong các Biên bản định giá lại hoặc các phụ lục hợp đồng được ký giữa các bên và cũng được sử dụng theo nguyên tắc trên. Tổng mức cho vay trong trường hợp này cũng giảm tương ứng mà không cần có sự đồng ý của Bên thế chấp.

 

Điều 2. Tài sản thế chấp

 

Tài sản thế chấp là xe ô tô thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của Bên thế chấp (dưới đây gọi tắt là “Tài sản”), chi tiết về Tài sản được mô tả đầy đủ theo các văn bản (Hợp đồng, giấy tờ, tài liệu) dưới đây:

 

1. Xe ô tô thế chấp thuộc quyền sở hữu của Bên thế chấp theo Giấy đăng ký xe ô tô số .................. do ................. cấp ngày ......................, cụ thể như sau:

- Họ tên chủ xe: .........................................................................................................

- Nơi đăng ký thường trú: ..........................................................................................

- Nhãn hiệu ô tô: ........................................................................................................

- Loại xe: ....................................................................................................................

- Số máy: ...................................................................................................................

- Số khung: ................................................................................................................

- Biển số: ...................................................................................................................

 

2. Các khoản tiền bảo hiểm (nếu có) và toàn bộ vật phụ, trang thiết bị kèm theo, phần giá trị đầu tư thêm gắn liền với Tài sản cũng đều thuộc Tài sản theo Hợp đồng này trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

 

Điều 3. Giá trị Tài sản thế chấp

 

1. Tổng giá trị Tài sản nêu tại Điều 2 Hợp đồng này do Bên thế chấp và NGÂN HÀNG thỏa thuận xác định là .................... đồng theo Biên bản định giá tài sản ngày ........................ Mức giá định giá trên chỉ được làm mức giá trị tham chiếu để xác định mức cho vay tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng, không sử dụng để áp dụng trong trường hợp xử lý tài sản.

 

2. Với giá trị tài sản này, NGÂN HÀNG đồng ý cho Bên thế chấp vay tổng số tiền (nợ gốc) cao nhất là ............................. đồng.

 

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Bên thế chấp

 

1. Bên thế chấp có các quyền sau:

a) Được vay vốn theo các điều kiện tại Hợp đồng tín dụng ký với NGÂN HÀNG và Hợp đồng này

b) Được khai thác, sử dụng Tài sản, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ Tài sản nếu hoa lợi, lợi tức không thuộc Tài sản.

c) Được đầu tư hoặc cho người thứ ba đầu tư vào Tài sản để làm tăng giá trị của Tài sản nhưng phải thông báo cho NGÂN HÀNG biết trước bằng văn bản và toàn bộ giá trị đầu tư cũng thuộc về tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác bằng văn bản.

d) Được nhận lại bản gốc các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu Tài sản đã giao cho NGÂN HÀNG khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này.

e) Được yêu cầu NGÂN HÀNG bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng bản gốc các giấy tờ về Tài sản.

f) Được cho thuê, cho mượn Tài sản, nếu có văn bản chấp thuận của NGÂN HÀNG nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn Tài sản biết về việc Tài sản cho thuê, cho mượn đang được thế chấp tại NGÂN HÀNG, đồng thời phải thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê, cho mượn: “Nếu tài sản cho thuê, cho mượn bị xử lý để thu hồi nợ, bên thuê, bên mượn có trách nhiệm giao tài sản cho NGÂN HÀNG và hợp đồng cho thuê, cho mượn sẽ chấm dứt (kể cả trường hợp hợp đồng thuê tài sản chưa hết hiệu lực)”.

g) Được bổ sung, thay thế Tài sản bằng tài sản bảo đảm khác và được bán, trao đổi, tặng, cho, góp vốn liên doanh bằng Tài sản nếu được NGÂN HÀNG chấp thuận bằng văn bản.

 

2. Bên thế chấp có các nghĩa vụ sau:

a) Phải giao bản gốc các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp Tài sản cho NGÂN HÀNG trước hoặc ngay khi ký Hợp đồng này.

b) Phải thực hiện công chứng, chứng thực Hợp đồng thế chấp, đăng ký, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của NGÂN HÀNG, chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc đăng ký thế chấp theo quy định của Pháp luật, kể cả trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung Hợp đồng thế chấp này;

c) Phải thông báo bằng văn bản cho NGÂN HÀNG về quyền của Bên thứ ba đối với Tài sản (nếu có). Trong trường hợp không thông báo thì NGÂN HÀNG có quyền huỷ Hợp đồng này và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì Hợp đồng này và chấp nhận quyền của Bên thứ ba đối với Tài sản nếu bên/các bên thứ ba ký xác nhận đồng ý về việc thế chấp Tài sản theo Hợp đồng này.

d) Không được sử dụng Tài sản để thế chấp hoặc bảo đảm cho nghĩa vụ khác; không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, góp vốn hoặc có bất kỳ hình thức nào chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng Tài sản; không được làm giảm giá trị, thay đổi mục đích sử dụng của Tài sản, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của NGÂN HÀNG.

e) Mua và chịu chi phí mua bảo hiểm vật chất đối với Tài sản trong suốt thời gian vay vốn theo yêu cầu của NGÂN HÀNG. Hợp đồng bảo hiểm được mua với hình thức có thể chuyển nhượng được và ký hậu theo lệnh/ký hậu đích danh NGÂN HÀNG; hoặc hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người thụ hưởng là NGÂN HÀNG; đồng thời lập văn bản ủy quyền cho NGÂN HÀNG được hưởng tiền bảo hiểm; giao bản chính hợp đồng bảo hiểm và văn bản ủy quyền cho NGÂN HÀNG giữ. Trường hợp xảy ra các sự kiện bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đối với Tài sản thì Bên thế chấp phải phối hợp với NGÂN HÀNG để tiến hành các thủ tục nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để trả nợ cho NGÂN HÀNG. Trường hợp Bên thế chấp không mua, thì NGÂN HÀNG mua bảo hiểm thay cho Bên thế chấp và được tự động khấu trừ vào số tiền trả nợ của Bên thế chấp.

f) Phải giao Tài sản cho NGÂN HÀNG để xử lý nếu không thực hiện đúng hạn và đầy đủ các nghĩa vụ nêu Điều 1 Hợp đồng này. Chịu các chi phí định giá, đánh giá lại Tài sản, các chi phí liên quan đến việc xử lý Tài sản và các chi phí khác phải nộp theo quy định pháp luật.

g) Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NGÂN HÀNG kiểm tra định kỳ hoặc bất thường Tài sản; phải thông báo kịp thời cho NGÂN HÀNG những thay đổi đối với Tài sản; phải áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác nếu việc tiếp tục khai thác Tài sản có nguy cơ làm mất hoặc giảm giá trị của Tài sản.

h) Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng, huỷ hoại, mất mát, giảm sút giá trị thì Bên thế chấp trong thời hạn 10 ngày hoặc thời hạn khác theo yêu cầu của NGÂN HÀNG, phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không thực hiện được, thì phải trả nợ NGÂN HÀNG trước hạn.

i) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của NGÂN HÀNG

 

1. NGÂN HÀNG có các quyền sau:

a) Được yêu cầu Bên thế chấp cung cấp thông tin về thực trạng Tài sản và giám sát, kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ Tài sản;

b) Lưu giữ bản gốc các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu Tài sản của Bên thế chấp.

c) Được yêu cầu Bên thế chấp, bên thuê, mượn Tài sản phải ngừng việc cho thuê, cho mượn, khai thác, sử dụng, phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác nếu việc khai thác, sử dụng Tài sản có nguy cơ làm huỷ hoại hoặc giảm sút giá trị. Nếu Bên thế chấp, bên thuê, mượn Tài sản không thực hiện được, thì NGÂN HÀNG có quyền thu nợ trước hạn.

d) Được quyền yêu cầu Bên thế chấp hoặc bên thứ ba giữ Tài sản giao Tài sản cho mình để xử lý thu hồi nợ trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ các nghĩa vụ cam kết.

e) Được quyền chuyển giao quyền thu hồi nợ, uỷ quyền cho bên thứ ba xử lý Tài sản theo quy định của Hợp đồng này hoặc quy định pháp luật có liên quan.

f) Được nhận tiền bảo hiểm trực tiếp từ cơ quan, tổ chức bảo hiểm để thu nợ trong rủi ro xảy ra mà Tài sản đã được bảo hiểm.

g) Được xử lý tài sản theo quy định của Hợp đồng này và các quy định pháp luật liên quan để thu hồi nợ.

h) Các quyền khác theo thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật.

 

2. NGÂN HÀNG có các nghĩa vụ sau:

a) Bảo quản an toàn bản gốc các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu Tài sản của Bên thế chấp.

b) Trả lại bản gốc các giấy tờ về Tài sản khi Bên thế chấp đã hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm hoặc Tài sản được thay thế bằng tài sản bảo đảm khác hoặc giao cho người mua Tài sản khi Tài sản được xử lý theo quy định của Hợp đồng này và quy định pháp luật liên quan.

c) Trả lại bản gốc các giấy tờ về tài sản (nếu có) tương ứng với số nợ Bên thế chấp đã trả, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của tài sản thế chấp còn lại.

d) Bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất bản gốc các giấy tờ về Tài sản của Bên thế chấp.

 

Điều 6. Xử lý Tài sản

 

1. Các trường hợp xử lý Tài sản:

a) Khi đến thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp phải trả nợ trước hạn) theo Hợp đồng tín dụng mà Bên thế chấp không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ hoặc vi phạm nghĩa vụ trả nợ NGÂN HÀNG;

b) Khi tài sản thế chấp hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị theo quy định của Hợp đồng này nhưng Bên thế chấp không khôi phục, bổ sung, thay thế được tài sản khác theo yêu cầu của NGÂN HÀNG hoặc khôi phục, bổ sung, thay thế không đủ giá trị thế chấp ban đầu;

c) Các trường hợp pháp luật quy định Tài sản phải được xử lý để Bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ khác đã đến hạn.

d) Bên thế chấp [3]  thực hiện chuyển đổi (cổ phần hóa, chia, tách, sáp nhập, chuyển nhượng hoặc thay đổi loại hình tổ chức hoạt động ) mà:

- Không trả hết nợ gốc và lãi vay được bảo đảm bằng tài sản cho NGÂN HÀNG trong vòng 30 ngày kể từ khi có quyết định chuyển đổi; hoặc

- Không thông báo bằng văn bản cho NGÂN HÀNG về việc chuyển đổi và đề nghị cho chuyển nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp sang tổ chức mới trong trường hợp không thể trả hết nợ theo quy định trên; hoặc

- Không có văn bản đồng ý nhận nợ của doanh nghiệp hình thành từ chuyển đổi hoặc văn bản đồng ý nhận nợ trên không được NGÂN HÀNG chấp thuận;

e) Bên thế chấp bị phá sản, giải thể trước khi đến hạn trả nợ hoặc không còn khả năng thanh toán nợ.

f) Bên thế chấp bị tuyên bố hạn chế, mất năng lực hành vi và năng lực pháp luật theo quy định của pháp luật, bị chết hoặc bị tuyên bố chết, bị mất tích hoặc bị tuyên bố mất tích, bị khởi tố, ly hôn hoặc liên quan đến các vụ kiện làm ảnh hưởng đến Tài sản.

g) Các trường hợp mà NGÂN HÀNG đơn phương xét thấy cần thiết phải xử lý Tài sản để thu hồi nợ vay trước hạn.

h) Các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

i) Trong các trường hợp trên, mọi khoản nợ của Bên thế chấp tại NGÂN HÀNG chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn và Tài sản đã thế chấp sẽ được xử lý để thu nợ.

 

2. Các phương thức xử lý Tài sản:

a) Bán Tài sản để thu hồi nợ: Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Bên thế chấp phải chủ động phối hợp với NGÂN HÀNG để trực tiếp bán Tài sản cho người mua hoặc uỷ quyền cho bên thứ ba (có thể là Trung tâm bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán) bán Tài sản cho người mua để thu hồi nợ.

b) NGÂN HÀNG trực tiếp nhận các khoản tiền, tài sản từ bên thứ ba trong trường hợp bên thứ ba đồng ý trả thay cho Bên thế chấp.

c) NGÂN HÀNG nhận chính Tài sản để thay thế cho việc thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm. Giá nhận Tài sản do hai bên thỏa thuận trên cơ sở tham khảo giá thị trường và quy định có liên quan của NGÂN HÀNG về xử lý tài sản bảo đảm.

 

3. Trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mà các bên không thực hiện được việc xử lý nợ theo các phương thức nêu tại Khoản 2 Điều này thì Bên thế chấp bằng Hợp đồng này uỷ quyền không huỷ ngang, uỷ quyền vô điều kiện và không hạn chế thời gian cho NGÂN HÀNG đại diện Bên thế chấp để:

a) Lựa chọn phương thức bán Tài sản là đưa ra bán trực tiếp hoặc đấu giá. Nếu NGÂN HÀNG trực tiếp bán Tài sản thì phải báo trước cho Bên thế chấp về địa điểm, thời gian ít nhất 15 ngày để Bên thế chấp tham gia, trừ trường hợp đối với những tài sản mà pháp luật quy định NGÂN HÀNG có quyền xử lý ngay. Sự vắng mặt của Bên thế chấp không ảnh hưởng đến việc bán Tài sản.

b) Bán Tài sản với giá khởi điểm do NGÂN HÀNG xác định căn cứ vào Biên bản định giá, Biên bản định giá lại Tài sản của NGÂN HÀNG tại thời điểm gần nhất hoặc theo giá của các cơ quan, tổ chức có chức năng định giá tài sản. Quyết định giảm 5% đến 10% giá bán Tài sản so với giá bán lần trước liền kề, sau mỗi lần thực hiện bán tài sản thế chấp không thành.

c) Thay mặt Bên thế chấp lập, ký tên trên các văn bản, giấy tờ, tài liệu, hợp đồng liên quan tới Tài sản và việc bán Tài sản với các cá nhân, tổ chức liên quan..

d) Trường hợp Tài sản bao gồm nhiều vật, NGÂN HÀNG được chọn tài sản cụ thể để xử lý, đảm bảo thu hồi đủ số nợ, bao gồm nhưng không giới hạn là nợ gốc, nợ lãi (trong hạn, quá hạn), các khoản phí và chi phí phát sinh khác liên quan (nếu có).

 

4. Trong thời gian chờ bán Tài sản, NGÂN HÀNG được quyền khai thác, sử dụng và thu hoa lợi, lợi tức từ Tài sản để thu hồi nợ.      

 

5. Số tiền thu được từ việc xử lý Tài sản, sẽ được NGÂN HÀNG tự động trích để thanh toán các khoản nợ mà Bên thế chấp phải trả cho NGÂN HÀNG bao gồm nhưng không giới hạn theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí phát sinh khác có liên quan;

b) Nợ lãi quá hạn;

c) Nợ lãi trong hạn;

d) Nợ gốc;

e) Số tiền còn dư sẽ trả lại cho Bên thế chấp, nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để trả nợ thì Bên thế chấp phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho NGÂN HÀNG.

 

6. Bên thế chấp tự nguyện từ bỏ mọi quyền khiếu nại, khiếu kiện NGÂN HÀNG đối với việc NGÂN HÀNG thực hiện xử lý Tài sản theo các nội dung quy định tại Điều này. NGÂN HÀNG có toàn quyền thực hiện xử lý Tài sản như nêu trên mà không cần kiện ra Toà án hay cơ quan có thẩm quyền khác. Mọi vấn đề khác có liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 7. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp

 

1. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này, trước hết sẽ được các bên trực tiếp thương lượng để giải quyết trên tinh thần thiện chí, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Trường hợp thương lượng không thành thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có trụ sở của NGÂN HÀNG hoặc Toà án nhân dân nơi có Tài sản để giải quyết. Quyết định của Toà án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định của pháp luật.

 

2. Hợp đồng này được xác lập, điều chỉnh và giải thích theo pháp luật Việt Nam.

 

Điều 8. Cam kết của các bên

 

1. Bên thế chấp cam kết những thông tin về nhân thân và Tài sản đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật và tại thời điểm ký Hợp đồng này, Tài sản nói trên:

a) Được phép thế chấp theo quy định của Pháp luật;

b) Hoàn toàn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của Bên thế chấp và không có bất kỳ sự tranh chấp nào;

c) Chưa được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng dưới mọi hình thức hoặc dùng để bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ dân sự nào;

d) Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc có bất kỳ quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hạn chế quyền sở hữu, quyền sử dụng ngoài những hạn chế đã được nêu tại Hợp đồng này;

e) Không có giấy tờ nào khác ngoài giấy tờ nêu tại Điều 2 của Hợp đồng này.

 

2. Các bên cam kết:

 

a) Việc giao kết Hợp đồng này là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, không bị lừa dối và cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận trong Hợp đồng này;

b) Đã tự đọc hoặc được nghe đọc đúng, hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này.

 

Điều 9. Hiệu lực của Hợp đồng

 

1. Trường hợp (các) Hợp đồng tín dụng đã ký giữa Bên vay vốn với NGÂN HÀNG được chuyển giao từ đơn vị kinh doanh (Bên nhận thế chấp) cho bất kỳ đơn vị kinh doanh nào khác trong hệ thống NGÂN HÀNG hoặc đơn vị kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi, mô hình tổ chức, hoạt động thì các bên không phải ký lại Hợp đồng thế chấp, chỉ cần lập văn bản ghi nhận về việc thay đổi Bên nhận thế chấp và phải đăng ký lại giao dịch bảo đảm theo quy định pháp luật (nếu có).

 

2. Trường hợp Bên thế chấp tổ chức lại pháp nhân (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) khi Hợp đồng này vẫn còn thời hạn thực hiện thì các bên không phải ký kết lại Hợp đồng, chỉ cần lập văn bản ghi nhận về việc thay đổi Bên thế chấp và phải đăng ký lại giao dịch bảo đảm theo quy định pháp luật (nếu có) [4].

 

3. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ khi tất cả các bên ký vào Hợp đồng và được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật (nếu có). Các Hợp đồng, phụ lục hợp đồng hoặc văn bản, tài liệu, giấy tờ được các bên thống nhất sửa đổi, bổ sung, thay thế một phần hoặc toàn bộ Hợp đồng này hoặc liên quan đến Hợp đồng này là bộ phận kèm theo và có giá trị pháp lý theo Hợp đồng.

 

4. Các Hợp đồng được bảo đảm bằng Tài sản theo Hợp đồng thế chấp này nếu vô hiệu không làm Hợp đồng này vô hiệu. Trong trường hợp do có sự thay đổi về luật pháp, quy định hiện hành làm cho việc thế chấp tài sản đối với một hoặc một số tài sản nêu tại Điều 2 Hợp đồng này hoặc bất kỳ điều khoản nào trong Hợp đồng này vô hiệu, thì Hợp đồng này vẫn có hiệu lực với những tài sản, điều khoản còn lại.

 

5. Trường hợp Bản án, quyết định của tổ chức, cơ quan có Nhà nước có thẩm quyền khẳng định Hợp đồng này bị vô hiệu về hình thức, thủ tục thực hiện thì các nội dung đã được thỏa thuận thống nhất theo Hợp đồng này vẫn có hiệu lực giữa các bên.

 

6. Hợp đồng này chỉ chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

a) Bên thế chấp đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm của Hợp đồng thế chấp này;

b) Các bên thỏa thuận nghĩa vụ được bảo đảm theo Hợp đồng này được bảo đảm bằng biện pháp khác;

c) Tài sản thế chấp được xử lý để thu hồi nợ theo quy định của Hợp đồng này hoặc theo quy định pháp luật.

d) Các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

 

Điều 10. Điều khoản thi hành

 

1. Những vấn đề chưa được thỏa thuận trong Hợp đồng này sẽ được thực hiện theo quy định của Pháp luật.

 

2. Hợp đồng này được lập thành 05 bản chính, có giá trị pháp lý như nhau: NGÂN HÀNG giữ 02 bản, Bên thế chấp giữ 01 bản, gửi Phòng công chứng 01 bản (nếu có), gửi cơ quan đăng ký bảo đảm 01 bản (nếu có).

 

BÊN THẾ CHẤP

(Ký và ghi rõ họ tên và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

BÊN NHẬN THẾ CHẤP

(Ký và ghi rõ họ tên và đóng dấu, nếu có)

[1] Áp dụng trong trường hợp Bên thế chấp đồng thời là Bên vay vốn

[2] Nếu Bên thế chấp là một hoặc nhiều cá nhân đồng sở hữu thì cần sửa đổi, bổ sung thêm thông tin cho phù hợp như : Hộ khẩu thường trú, Số CMND/CCCD/Hộ chiếu. Trường hợp Bên thế chấp là hộ gia đình thì ghi thông tin về  hộ gia đình đó và bổ sung thêm thông tin về người đại diện.

[3] Trường hợp Bên thế chấp là cá nhân, vợ chồng hoặc hộ gia đình thì bỏ các quy định tại Điểm d và Điểm e Khoản 1 Điều 6 Hợp đồng này.

[4] Trường hợp Bên thế chấp là cá nhân, vợ chồng hoặc hộ gia đình thì bỏ nội dung này.

2.4. Các khoản phí liên quan đến hợp đồng thế chấp

Có một số loại phí liên quan đến hợp đồng thế chấp xe ô tô mà khách hàng cần lưu ý:

  • Phí thẩm định giá: Phí mà ngân hàng thu để đánh giá giá trị xe.
  • Phí bảo hiểm: Khách hàng có thể cần mua bảo hiểm cho chiếc xe như một yêu cầu từ ngân hàng.
  • Phí đăng ký hợp đồng: Phí này để hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng vay.
  • Phí trả nợ trước hạn: Nếu khách hàng có nhu cầu trả nợ trước thời hạn cam kết, ngân hàng có thể thu một khoản phí nhất định.
  • Phí quản lý hồ sơ: Một số ngân hàng có thể áp dụng phí này trong quá trình lưu trữ và quản lý hồ sơ vay.

Hợp đồng thế chấp xe ô tô

>>> Tham khảo: Hợp đồng thế chấp căn hộ chung cư: Quy định, Hồ sơ & Mẫu Hợp đồng.

3. Hồ sơ cần chuẩn bị khi vay thế chấp xe ô tô

  • Hồ sơ cá nhân:
    • Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
    • Giấy tờ xác minh nơi cư trú: Hộ khẩu hoặc Giấy xác nhận tạm trú.
  • Hồ sơ tài chính:
    • Chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động thể hiện việc làm chính thức, kèm theo sao kê tài khoản lương.
    • Giấy tờ khác: Trong một số trường hợp, ngân hàng có thể yêu cầu giấy tờ chứng minh thu nhập bổ sung như hợp đồng cho thuê nhà hoặc giấy tờ liên quan đến các nguồn thu nhập khác.
  • Hồ sơ tài sản bảo đảm:
    • Giấy chứng nhận đăng ký xe: Chứng minh quyền sở hữu xe.
    • Hợp đồng mua bán xe: Bằng chứng cho thấy khách hàng hợp pháp sở hữu xe và thỏa thuận giao dịch đã được thực hiện.
    • Giấy tờ liên quan đến xe: Bao gồm hóa đơn mua xe, bảo hiểm cho xe, hay các biên nhận sửa chữa (nếu có).

4. Quy trình vay thế chấp xe ô tô tại ngân hàng

Quy trình thế chấp xe ô tô tại ngân hàng thường diễn ra theo các bước sau:

4.1. Chuẩn bị hồ sơ

Khách hàng nên chuẩn bị đầy đủ và chính xác các giấy tờ cần thiết trước khi đến ngân hàng, đảm bảo kỹ lưỡng để tránh việc bị yêu cầu bổ sung giấy tờ, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy tờ cá nhân: Căn cước công dân, hộ khẩu.
  • Giấy tờ xe: Giấy đăng ký xe, hợp đồng mua bán (nếu có), hóa đơn thanh toán.
  • Giấy tờ chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động, sao kê lương 3-6 tháng gần nhất, hoặc các giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập khác.

4.2. Nộp hồ sơ tại ngân hàng

Khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng mà mình lựa chọn hoặc nộp hồ sơ trực tuyến nếu ngân hàng có dịch vụ này. Khi nộp hồ sơ, khách hàng cần chắc chắn rằng các giấy tờ đã đầy đủ và chính xác.

4.3. Thẩm định hồ sơ

Ngân hàng sẽ thẩm định toàn bộ hồ sơ, bao gồm cả thẩm định giá trị xe và khả năng tài chính của khách hàng. Quy trình này thường diễn ra trong khoảng 3-5 ngày làm việc. Quá trình này bao gồm:

  • Kiểm tra hồ sơ cá nhân: Xác minh thông tin cá nhân, lịch sử tín dụng của khách hàng.
  • Đánh giá giá trị xe: Chuyên gia của ngân hàng sẽ định giá xe ô tô dựa trên tình trạng, tuổi đời, và các yếu tố khác.
  • Phân tích khả năng trả nợ: Ngân hàng sẽ xem xét có đủ điều kiện cho vay hay không dựa trên thu nhập và nghĩa vụ tài chính hiện tại của khách hàng.

4.4. Ký hợp đồng

Nếu hồ sơ được phê duyệt, ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng về hạn mức vay, lãi suất, và thời gian vay. Khách hàng sẽ ký hợp đồng vay vốn và hợp đồng thế chấp.

4.5. Giải ngân

Sau khi ký hợp đồng, ngân hàng sẽ giải ngân khoản vay cho khách hàng. Khoản vay có thể được chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của khách hàng hoặc giao bằng tiền mặt, tùy theo thỏa thuận. Khách hàng cần đảm bảo làm theo đúng thủ tục để tránh trì hoãn trong quá trình giải ngân.

4.6. Thanh toán khoản vay

Trong thời gian vay, khách hàng cần thanh toán theo đúng lộ trình đã thỏa thuận trong hợp đồng, bao gồm tiền gốc và lãi suất.

Hợp đồng thế chấp xe ô tô

>>> Khám phá: Chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ ba: Quy định và thực tiễn.

5. Những lưu ý quan trọng khi vay thế chấp xe ô tô

  • Xác định thời gian vay hợp lý: Khách hàng nên lựa chọn thời gian vay sao cho phù hợp với khả năng tài chính. Thời gian vay ngắn có thể giúp tiết kiệm chi phí nhưng cũng cần cân nhắc khả năng trả nợ hàng tháng.
  • Kiểm tra điểm tín dụng trước khi vay: Việc kiểm tra điểm tín dụng giúp khách hàng nắm rõ tình hình tài chính của mình. Nên giải quyết tất cả các khoản nợ xấu trước khi nộp hồ sơ để tăng khả năng được xét duyệt.
  • Lựa chọn ngân hàng uy tín: Chọn ngân hàng có độ uy tín cao là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Cần nghiên cứu về các phí dịch vụ, lãi suất cụ thể, thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký.
  • Đảm bảo giữ gìn và bảo quản xe tốt: Dù ngân hàng đã giữ giấy tờ xe làm tài sản thế chấp, khách hàng vẫn cần chăm sóc và bảo trì chiếc xe của mình. Điều này không chỉ giúp duy trì giá trị thực tế của xe mà còn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận

Hợp đồng thế chấp xe ô tô là một trong những hình thức vay vốn thuận lợi và an toàn, giúp khách hàng có cơ hội lấy được nguồn vốn lớn mà không cần đến các giấy tờ tài sản khác. Để tránh những rắc rối không cần thiết và đảm bảo quyền lợi của bản thân, bạn nên tìm hiểu kỹ về các điều khoản trong hợp đồng.

Nếu bạn cần thêm thông tin chi tiết hoặc tư vấn tận tình về hợp đồng thế chấp xe ô tô, hãy liên hệ với Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo số hotline 0966.22.7979 hoặc ghé thăm văn phòng trực tiếp. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong mọi giao dịch pháp lý, giúp bạn hiện thực hóa các dự định tài chính của mình một cách an toàn và hợp pháp.

>>> Xem thêm: Hợp đồng thuê xe ô tô: Hướng dẫn chi tiết và đầy đủ các mẫu hợp đồng.

 

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN HUỆ

Miễn phí dịch vụ công chứng tại nhà

 

1. Công chứng viên kiêm Trưởng Văn phòng Nguyễn Thị Huệ: Cử nhân luật, cán bộ cấp cao, đã có 31 năm làm công tác pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công chứng, hộ tịch, quốc tịch. Trong đó có 7 năm trực tiếp làm công chứng và lãnh đạo Phòng Công chứng.

2. Công chứng viên Nguyễn Thị Thủy: Thẩm Phán ngành Tòa án Hà Nội với kinh nghiệm công tác pháp luật 30 năm trong ngành Tòa án, trong đó 20 năm ở cương vị Thẩm Phán.

Bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ nghiệp vụ năng động, nhiệt tình, có trình độ chuyên môn cao và tận tụy trong công việc.

  • Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội
  • Hotline: 0966.22.7979
  • Email: ccnguyenhue165@gmail.com

Tin liên quanTin liên quan

Tin cùng chuyên mụcTin cùng chuyên mục

Văn phòng công chứng gần nhất tại Hà Nội

Văn phòng công chứng gần nhất tại Hà Nội

Trong cuộc sống có rất nhiều công việc mà các bạn cần phải đi công chứng. Chính vì thế để giúp các bạn có thể công chứng giấy tờ một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất tại Hà Nội, Văn phòng công ...